Những phiên bản đầu tiên của tai nghe đã xuất hiện từ những năm 1890 tại London với kích thước khổng lồ, phải dùng tay giữ trên tai để nghe, nối với đoạn dây dài chỉ để người ta nghe được ca nhạc trực tiếp ở 1 nơi nào đó rất xa.
Mẫu tai nghe có hình dáng (cận) hiện đại đầu tiên chỉ xuất hiện cho đến năm 1937 bởi Beyerdynamic với 1 dải kim loại vòng qua đầu, nối 2 bên tai nghe với nhau. 52 năm sau, Bose đã ra mắt mẫu tai nghe chống ồn đầu tiên nhưng chỉ dành cho các phi công. Đến năm 2000, công nghệ này bắt đầu nở rộ trên các tai nghe thương mại của Bose, khi mà nhu cầu đi lại, du lịch thực sự phổ biến.

Các loại tai nghe in-ear và earbuds cũng đã xuất hiện song song thời kì này nhưng không thực sự phổ biến. Phải đến năm 2001, khi Apple ra mắt chiếc iPod đầu tiên thì kiểu dáng earbuds mới được người ta ưa chuộng hơn vì tính thời trang, gọn nhẹ.

3 năm sau, những chiếc tai nghe Bluetooth đầu tiên đã ra đời, đánh dấu sự chuyển mình mạnh mẽ nhất mà đến nay chúng ta vẫn đang được tận hưởng. Công nghệ này cứ thế nâng cấp dần dần, khởi đầu là những chiếc tai nghe cần bộ tiếp tín hiệu, nối 2 bên tai bằng 1 đoạn dây. Đến năm 2015, Onkyo ra mắt mẫu tai nghe không dây hoàn toàn đầu tiên, đánh dấu bước chuyển mình tiếp theo trong lịch sự phát triển tai nghe với 2 bên earbuds rời nhau, không cần kết nối bằng sợi dây như trước.
Dù không phải người khởi xướng nhưng Apple vào năm 2016 mới thực sự làm phong trào này “bùng nổ” trên diện rộng với AirPods phiên bản đầu tiên với hàng loạt cải tiến ấn tượng, giúp hãng đạt doanh số khoảng 15 triệu chiếc chỉ trong năm đầu tiên.

Đến nay, năm 2023, thiết kế của những chiếc tai nghe không dây thực ra không có thay đổi nhiều. Xu hướng hiện đã chuyển sang ưu tiên về tính năng và tiện ích đi kèm như chống ồn chủ động, âm thanh xung quanh, âm thanh vòm…
Thay đổi lớn nhất gần đây với tai nghe không dây có thể nói là trên chiếc JBL Tour Pro 2 với phần hộp sạc tích hợp màn hình cảm ứng. Thiết kế này đã được Apple gửi đi đăng ký bản quyền, nhưng JBL lại là thương hiệu bán ra sản phẩm thực vài tháng trước khi thông tin đó xuất hiện.

Màn hình trên hộp sạc có gì mà “đột phá”?
Đúng, rất nhiều người dù chỉ mới nghe đến ý tưởng này đã tỏ ra hoài nghi, cho rằng tính năng này hoàn toàn vô nghĩa, thừa thãi và chỉ gây hao pin chứ không có tác dụng gì.
Tuy nhiên, khi đã sử dụng thực tế, bạn sẽ thấy màn hình này có nhiều công dụng hơn tưởng tượng.

Thay vì chỉ đưa lên vài tính năng cơ bản như điều khiển nhạc, tăng giảm âm lượng hay bật tắt chống ồn, JBL đã tích hợp thêm nhiều widget khác như bật tắt chế độ Spatial sound, chọn preset EQ theo ý muốn, tìm kiếm tai nghe khi thất lạc…
Thậm chí, JBL còn tận dụng luôn màn hình này để thêm chế độ đèn pin, đồng hồ bấm giờ và hiển thị thông báo từ điện thoại. Đây đều là những tính năng chưa bao giờ có trên các tai nghe khác.

Về cơ bản, bạn có thể coi màn hình trên hộp sạc là phiên bản thu nhỏ của ứng dụng điều khiển, và dù nó kết nối tai nghe với thiết bị nào đi nữa, như là TV, máy tính, máy chơi game… thì đều có thể tận hưởng hầu hết các tính năng mà tai nghe có chỉ bằng cách điều khiển hộp sạc. Rõ ràng, đây là lợi thế vượt trội mà không hề có bất kì tai nghe không dây nào khác trên thị trường làm được, kể cả những Sony WF-1000XM5 hay Apple AirPods Pro 2 USB-C vừa ra mắt.
Vẫn có thể đột phá thêm
Khen là vậy nhưng JBL và các thương hiệu khác vẫn còn rất nhiều “đất diễn” để cải tiến tính năng này. Đơn giản như việc dùng màn hình lớn hơn, hiển thị nhiều thứ hơn, chuyển sang dùng tấm nền OLED hoặc e-ink để tăng chất lượng hoặc tiết kiệm pin. Các widget và thao tác điều khiển cũng có thể thêm mới để mở rộng tính năng. Nếu như chiếc đồng hồ nhỏ xíu trên cổ tay còn có thể chứa hàng trăm công nghệ khác nhau thì chẳng có gì ngăn cản các thương hiệu đưa chúng lên hộp sạc của tai nghe cả, chỉ là lựa chọn lại xem cái nào phù hợp hơn mà thôi.

Với thiết kế đổi mới này, JBL Tour Pro 2 xứng đáng trở thành 1 trong những đề cử hạng mục Sản phẩm mới ra mắt ghi dấu ấn sáng tạo tại Better Choice Awards 2023.