VPBank - Thương hiệu ngân hàng Việt xếp thứ 173 toàn cầu, bước tiến tới nhóm Big 4+1
Trong 2 năm qua, VPBank đã có những bước tiến lớn khi thu hút được hàng chục nhà đầu tư nước ngoài, tạo tên 2 thương vụ với Tập đoàn tài chính SMFG trị giá 3 tỷ USD và gia nhập nhóm “Big4 + 1”.

Thành lập từ năm 1993 - khi Việt Nam đang ở giai đoạn đầu thực hiện công cuộc Đổi mới, VPBank đã luôn song hành cùng sự phát triển của đất nước trong hành trình 30 năm xây dựng và trưởng thành vừa qua, trở thành cầu nối huy động và phân bổ nguồn lực hiệu quả cho nền kinh tế, giúp người dân tiếp cận các dịch vụ tài chính - ngân hàng hiện đại, hỗ trợ nhiều doanh nghiệp vay vốn kịp thời để đầu tư và mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Trải qua nhiều thăng trầm cùng năm tháng, chứng kiến sự lên ngôi của Internet, sự thay đổi trong hành vi, tâm lý của khách hàng, và gần đây là làn sóng số hóa ngành tài chính - ngân hàng mạnh mẽ, VPBank đã và đang vận động không ngừng để thích nghi và đón bắt các xu hướng và vận hội mới.
Thành công trong các giai đoạn chạy đà (2012-2017) và bứt phá (2028-2022), VPBank hiện đã vươn mình trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam tại thời điểm 31/12/2022, với mạng lưới hoạt động phủ rộng trên cả nước và một hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ và giải pháp tài chính đa dạng, phong phú, đáp ứng các yêu cầu từ thanh toán tới quản lý tài sản của khách hàng cá nhân và cộng đồng doanh nghiệp.

Nhờ sự tăng trưởng nhanh chóng về giá trị thương hiệu, VPBank đã nhảy vọt lên vị trí 173 trong tổng số 500 ngân hàng có giá trị thương hiệu cao nhất toàn cầu, tăng 32 bậc so với năm 2022. Đây cũng là năm thứ tư liên tiếp vị trí của VPBank thăng hạng trong bảng xếp hạng này.
Từ đó đến nay, VPBank liên tục nhận được những giải thưởng danh giá khác. Cũng vào 2020, ngân hàng này xếp hạng top 5 trong hệ thống ngân hàng Việt Nam trong danh sách Top 10 Ngân hàng thương mại Việt Nam uy tín nhất Việt Nam được Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) kết hợp cùng Báo Vietnamnet.

Vào 2021, VPBank là đại diện duy nhất của Việt Nam nhận giải thưởng “Ngân hàng số sáng tạo nhất 2021” trong khuôn khổ hệ thống Global Retail Banking Innovation Awards 2021.
2022, VPBank 5 năm liên tiếp nằm trong Top 50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam. Sản phẩm ứng dụng VPBank NEO của VPBank cũng đã xuất sắc trở thành đại diện duy nhất của Việt Nam được vinh danh trong hạng mục giải thưởng “Best Mobile Banking Application in Viet Nam - Ứng dụng Ngân hàng Điện tử tốt nhất Việt Nam” của The Asian Banker.
Đến với 2023 sau 30 năm thành lập, ứng dụng VPBank NEO lại một lần nữa được The Asian Banker trao tặng giải thưởng Ứng dụng Ngân hàng Điện tử tốt nhất Việt Nam lần thứ 2 liên tiếp.

Tháng 4/2021, Tập đoàn Tài chính Sumitomo Mitsui (SMFG) đã chi 1,37 tỷ USD mua 49% vốn của FE CREDIT qua Công ty Tài chính Tiêu dùng SMBC – công ty thành viên của SMFG. Đây là thương vụ đầu tư có quy mô lớn nhất của ngành ngân hàng tính tới thời điểm ký kết. FE CREDIT – công ty thành viên của VPBank – là công ty tài chính tiêu dùng đứng đầu tại thị trường Việt Nam khi đó với thị phần khoảng 50%.

2 năm sau kỷ lục này bị xô đổ, vẫn bởi chính VPBank. SMBC trong tuần cuối tháng 3 đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược mua 15% cổ phần VPBank với giá trị thương vụ lên tới 1,5 tỷ USD – đánh dấu thương vụ M&A lớn nhất ngành ngân hàng Việt từ trước tới nay.


Không phải ngẫu nhiên mà VPBank trở thành đích đến của tập đoàn tài chính đứng thứ hai tại xứ sở hoa anh đào với tổng tài sản hơn 2.100 tỷ USD.
Đối mặt với triển vọng tăng trưởng yếu trong nước, các ngân hàng hàng đầu của Nhật Bản đã liên tục tìm kiếm các thị trường mới trong vài năm gần đây. SMFG đã tìm cách mở rộng sự hiện diện khắp châu Á, mua lại các ngân hàng thương mại và công ty tài chính tiêu dùng, tập trung vào bốn quốc gia: Indonesia, Ấn Độ, Việt Nam và Philippines. Trong đó, tại Việt Nam, VPBank là cái tên được SMFG lựa chọn.

Theo Nikkei, mặc dù các ngân hàng quốc doanh có quy mô lớn hơn, nhưng Sumitomo Mitsui quyết định chọn VPBank bởi ngân hàng này là một đối tác kinh doanh hấp dẫn. Công nghệ, chuyển đổi số, hay dịch vụ kỹ thuật số cho cá nhân là một trong những thế mạnh của VPBank và ưu điểm này tương đồng với một số ngân hàng "ưa thích" của SMBC trong khu vực.
Đồng thời, VPBank cũng duy trì được tốc độ tăng trưởng cao liên tục thời gian gần đây. Lợi nhuận của ngân hàng tăng 55% trong năm trước. "Hoạt động cho vay của VPBank đang tăng nhanh với biên lợi nhuận cho vay của ngân hàng này cũng cao so với các ngân hàng Việt Nam khác", Nikkei bình luận trong bài viết mới đây.

Khoản đầu tư từ SMBC dự kiến giúp nâng tổng vốn chủ sở hữu của VPBank từ 103.500 tỷ đồng lên xấp xỉ 140.000 tỷ đồng, đứng thứ hai trong ngành ngân hàng, sau Vietcombank. Trong hoạt động ngân hàng, vốn chủ sở hữu càng lớn, lợi thế cạnh tranh về chi phí vốn, hệ số an toàn vốn và khả năng đáp ứng nhu cầu tài chính của khách hàng càng cao.

Tuy nhiên, lợi ích từ thương vụ hợp tác với SMBC còn nhiều hơn thế. Theo giới phân tích, nền tảng vốn sau thỏa thuận với SMBC có thể giúp VPBank hoàn thiện mảnh ghép còn thiếu trong hoạt động là nhóm các doanh nghiệp lớn, tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp FDI – những khách hàng lớn đến siêu lớn mà trước nay gần như thị phần thuộc về nhóm các ngân hàng quốc doanh.
Rào cản lớn nhất trong việc tham gia phân khúc thị trường này là quy mô vốn tự có. Theo quy định trong Luật các tổ chức tín dụng, tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng hiện tại không được vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng. Tổng dư nợ tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 25% vốn tự có.

Với những khách hàng là các tập đoàn đa quốc gia, nhóm doanh nghiệp FDI, quy mô vay vốn có thể lên tới hàng trăm triệu USD, tương ứng hàng chục nghìn tỷ đồng, con số này thậm chí vượt qua quy mô vốn của những ngân hàng cỡ nhỏ trên thị trường. Bởi lý do này, lâu nay, miếng bánh lớn hầu hết thuộc về những ngân hàng quốc doanh – những ngân hàng đứng đầu thị trường về cả quy mô vốn tự có cho tới tổng tài sản.
Tuy nhiên, cục diện thị trường có thể thay đổi khi VPBank, sau thỏa thuận hợp tác với SMBC, vươn lên trở thành ngân hàng có quy mô vốn tự có đứng thứ hai toàn ngành, chỉ sau Vietcombank.
Hai thỏa thuận chiến lược trong hai năm, theo VNDirect, sẽ giúp VPBank thắt chặt và cải thiện hơn nữa quan hệ hợp tác của ngân hàng với SMFG. "Qua đó, tập đoàn tài chính Nhật có thể giúp VPBank cải thiện các quy trình, quy chế trong quản trị ngân hàng cũng như giúp cung cấp các nguồn vốn có giá rẻ từ nước ngoài", chuyên viên phân tích Vũ Thế Quân của VNDirect đánh giá.
Với một "hậu phương" như SMFG - xếp hạng 12 trên 100 ngân hàng lớn nhất toàn cầu về tổng tài sản, cùng với quy mô vốn được nâng cao, VPBank giờ đây được giới phân tích xếp "ngang tầm" với nhóm bốn ngân hàng quốc doanh, hay còn gọi là nhóm Big 4. "Có lẽ thị trường nên nghĩ đến những khái niệm mới về nhóm ngân hàng top đầu thị trường, chẳng hạn Big 4+1", trưởng phòng tư vấn một công ty chứng khoán tại Hà Nội bình luận.

Tại phiên họp thường niên năm trước, Tổng giám đốc VPBank Nguyễn Đức Vinh cho biết 2022 là sự khởi đầu cho tham vọng trở thành ngân hàng tư nhân hàng đầu Việt Nam, cam kết hiện thực hóa sứ mệnh "Vì một Việt Nam thịnh vượng" được ngân hàng công bố khi tái định vị thương hiệu.

Sau tuyên bố tái định vị thương hiệu vào đầu năm 2022, VPBank đã có những hành động đầu tiên để hiện thực hóa sứ mệnh. Trong đó, VPBank đã nghiên cứu và lựa chọn ra bốn giá trị thịnh vượng: Tài chính - Cộng đồng - Thể chất - Tinh thần, dựa trên những tiêu chí đánh giá thịnh vượng mới chuẩn quốc tế bao gồm: tăng trưởng kinh tế, môi trường, giáo dục, sức khỏe, hạnh phúc cá nhân và chất lượng cuộc sống.

VPBank đặt mục tiêu "Thịnh vượng tài chính" là trọng tâm tăng trưởng kinh tế. Trong đó, ngân hàng đã không ngừng nghiên cứu đầu tư phát triển để có thể liên tục đưa ra hàng loạt các giải pháp công nghệ nhằm nâng cao trải nghiệm của khách hàng.
Thành công trong cuộc chạy đua số hóa và càng phát huy hơn nữa trong thời gian giãn cách xã hội bằng năng lực tiếp cận và cung cấp dịch vụ không tiếp xúc cho khách hàng đã giúp "ngân hàng mẹ" nâng cao tốt năng lực cạnh tranh, cải thiện tốt chi phí hoạt động. Còn với khách hàng, các giải pháp tài chính, các gói hỗ trợ linh hoạt, hiệu quả giúp tối ưu hóa doanh thu, lợi nhuận và giá trị cho mỗi đồng vốn bỏ ra.